Sản lượng tiêu thụ thép các loại trong quý III/2020 đã có sự phục hồi đáng kể và liên tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Với diễn biến tích cực từ thị trường, nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.
Hưởng lợi từ đầu tư công
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép các loại được sản xuất trong tháng 9/2020 đạt hơn 2,39 triệu tấn, tăng 1,97% so với tháng trước và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn sản lượng thép tiêu thụ đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 2,9% so với tháng 8/2020, và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, sau nửa đầu năm kinh doanh chật vật, sản lượng bán ra giảm so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tiêu thụ các mặt hàng thép trong quý III/2020 phục hồi, tăng trưởng so với 2 quý đầu năm và cùng kỳ năm 2019. Đơn cử, tiêu thụ thép xây dựng đạt hơn 2,7 triệu tấn (tăng lần lượt 19% và 6% so với quý I và II/2020), xuất khẩu hơn 400.000 tấn (tăng lần lượt 4% và 37% so với quý I và II/2020). Các mặt hàng khác như thép cán nóng, cán nguội, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép cũng đều có mức tăng trưởng tốt.
Sự phục hồi của sản lượng tiêu thụ thép trong nửa cuối năm đã được các chuyên gia dự báo từ trước bởi tác động tích cực từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian gần đây. Diễn biến tích cực này giúp các doanh nghiệp thép trong nước ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Doanh nghiệp báo lãi lớn
Doanh nghiệp đầu ngành thép Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, chỉ riêng trong tháng 9, sản lượng sản xuất thép thô của Công ty đạt 575.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 19% so với tháng 8/2020 và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Trong quý III/2020, Công ty ghi nhận 24.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 62,7% so với quý III/2019, lợi nhuận sau thuế đạt 3.785 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát chạm mốc này trong một quý. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 65.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 40%, lợi nhuận ròng đạt 8.845 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2019.
Một doanh nghiệp lớn khác báo lãi tăng trưởng mạnh là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen. Công ty này ước lợi nhuận sau thuế quý IV niên độ tài chính 2019 – 2020 (từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2020) đạt 400 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ niên độ trước. Sản lượng tiêu thụ và doanh thu quý vừa qua cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 46% và 31%, trong khi các quý trước giảm.
Một doanh nghiệp chuyên về thương mại kinh doanh sắt thép là Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC cũng ghi nhận lợi nhuận ròng quý III/2020 tăng vọt 183% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 100 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, SMC đạt doanh thu 11.257 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 156 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty này cho biết, từ giữa quý II/2020 đến nay, nhìn chung mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều thuận lợi và vẫn tiếp tục khả quan. Năm 2020, SMC đặt mục tiêu doanh thu đạt 15.200 tỷ đồng và 120 tỷ đồng lãi ròng. Đến nay, Công ty đã thực hiện vượt gần 30% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Ngoài các “ông lớn” trên, một số doanh nghiệp thép quy mô nhỏ hơn đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2020 khá tích cực như: Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất lãi ròng 4,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019 lỗ 3 tỷ đồng); Công ty CP Thép Vicasa – Vnsteel lãi ròng 3,8 tỷ đồng, tăng trưởng 44,61% so với quý III/2019; Công ty CP Gang thép Cao Bằng lãi ròng 2,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 11 tỷ đồng)…
Trong các tháng cuối năm 2020, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) tiếp tục đánh giá triển vọng khả quan với ngành thép. Đối với thị trường nội địa, đây là giai đoạn triển khai xây dựng các dự án hạ tầng đầu tư công, góp phần hỗ trợ tiêu thụ thép xây dựng. Tiêu thụ ống thép tiếp tục hồi phục tốt nhờ xây dựng dân dụng và hoạt động sản xuất.
Còn đối với thị trường xuất khẩu, BSC đánh giá nhu cầu phôi thép và tôn mạ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc, tuy nhiên mức độ sẽ giảm dần về cuối năm.